Cách đơn giản để giảm đau bụng kinh

Có phải bạn vẫn luôn nghĩ rằng đau bụng kinh là chuỵên bình thường và luôn cố chịu đựng nó? Tình trạng cơ thể trước hoặc trong kỳ sinh lý của mỗi người sẽ có phần khác nhau, có người vẫn sinh hoạt như bình thường khi đang có kinh nguyệt nhưng cũng có người sẽ khá khó chịu nếu không uống thuốc giảm đau hàng tháng tháng. Đau bụng kinh có 2 loại: một là loại bệnh và cần đến bệnh viện; hai là loại mà bạn có thể tự kiềm chế bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Trong bài viết này, Hajimarimom sẽ đề cập đến những triệu trứng và bất thường khi đến kỳ sinh lý và cách giảm đau bụng kinh hiệu quả.

Các triệu chứng của đau bụng kinh. Khi nào là bất thường?

Đau bụng dưới và mỏi lưng khi hành kinh là do máu xung quanh tử cung bị ứ đọng lại. Nếu bạn bị đau vùng bụng dưới vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt nhưng không đau đến mức ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập, cũng không cần uống thuốc giảm đau, hãy chú ý giữ ấm cơ thể và tập các bài tập nhẹ nhàng như giãn cơ giúp cải thiện lưu thông máu.

Đau bụng kinh bất thường là khi cơn đau dữ dội, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi đến  kỳ bạn đều phải uống thuốc giảm đau. Hãy cẩn thận nếu bạn gặp những trường hợp sau: dễ buồn ngủ, phải nghỉ học hoặc nghỉ làm mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt; thuốc giảm đau đã từng hiệu quả nay mất tác dụng hay thời gian hiệu quả của thuốc ngày càng ngắn dần. Nếu cơn đau tăng dần từ năm này qua năm khác, hoặc bị đau ngoài chu kỳ kinh nguyệt thì bạn cần đi khám bác sĩ phụ khoa vì tình trạng có thể đã tiến triển nặng.

Làm thế nào để giảm đau bụng kinh?

1. Giữ ấm cơ thể

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bụng kinh dữ dội là do khí huyết lưu thông kém và thân nhiệt thấp. Trong thời kỳ kinh nguyệt, nhiệt độ cơ thể giảm xuống do thay đổi nội tiết tố. Vì vậy, lúc này dù cơ thể khoẻ mạnh thì cũng rất dễ bị nhiễm lạnh. Điều quan trọng là phải giữ ấm cơ thể bằng cách quấn khăn quanh bụng.

2. Duy trì tư thế giảm đau bụng kinh

Khi bị đau bụng kinh, cơ thể bạn có xu hướng căng thẳng hơn và lưng thường cong xuống. Một số trường hợp thường lo lắng sẽ bị thấm ra ngoài quần áo nên cố gắng dồn lực vào chân và bụng. Tuy nhiên, điều này vô tình sẽ làm giảm lưu thông máu. Do đó, khi đang trong  chu kỳ, bạn hãy cố gắng giữ một tư thế tốt và để đầu óc thư giãn nhiều nhất có thể. Khi ngồi bạn nên mở rộng hai chân sang một bên và ngồi thẳng với xương chậu, tư thế giống như khi cưỡi ngựa.

Ngoài ra, nếu bạn khó ngủ do đau bụng kinh thì nên nằm nghiêng, gập đầu gối và cong lưng một chút để giảm bớt căng thẳng ở bụng. Trong trường hợp thấy mặt và vai bị ép hơi chặt, bạn có thể đặt một tấm đệm hoặc vật gì đó ở một bên lưng và nghiêng một chút để nằm ngửa, điều này sẽ giúp phân bổ trọng tâm và thoải mái hơn.

3. Tập thể dục điều độ

Cơ thể ít cơ sẽ không thể sinh nhiệt nên rất dễ bị nhiễm lạnh, đồng thời hoạt động bơm máu của các cơ cũng yếu đi dẫn đến lưu thông máu kém. Cách để duy trì khối lượng cơ và cải thiện lưu thông máu là nạp đủ đạm tốt, tập thể dục với cường độ vừa phải. Mặc dù không có tác dụng ngay lập tức, nhưng bạn nên tập thói quen tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ và giãn cơ mỗi ngày để hạn chế bị cảm lạnh.

4. Ăn thực phẩm làm ấm cơ thể

Nếu cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, hãy cố gắng tránh những loại thực phẩm khiến thân nhiệt giảm (làm lạnh cơ thể) bao gồm thực phẩm đã qua tinh chế như gạo trắng, đường trắng, các loại rau củ mọc từ thân như cà chua và dưa chuột, hay hoa quả được thu hoạch ở các vùng khí hậu nóng, trong mùa nóng như chanh dây cùng các loại đồ ăn vặt. Mặt khác, thực phẩm làm ấm cơ thể là thực phẩm chưa qua tinh chế và lên men như gạo lứt, đường nâu; các loại củ mọc trong đất; rau củ được trồng ở vùng lạnh hoặc vào mùa đông. Điển hình có thể kể đến như gừng - có tác dụng làm ấm cơ thể, vì vậy bạn nên sử dụng gừng trong các món ăn hàng ngày hoặc uống nước gừng ngâm rượu thay cho cà phê.

5. Kích thích huyệt đạo

Các huyệt nằm trên bụng, phía sau đầu gối và ở mắt cá chân được cho là có hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh và các triệu chứng phụ khoa. Thao tác đơn giản nhất bạn có thể thực hiện khi ngồi bàn làm việc, trong lúc đi làm là lấy tay ấn vào các huyệt dưới rốn và trên bàn tay. Đường ngay dưới rốn tập trung nhiều huyệt đạo có hiệu quả trong việc cải thiện đau bụng kinh, bạn nên chườm ấm hoặc dùng ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng vị trí này. Ngoài ra, tại điểm giao nhau giữa ngón trỏ và ngón cái cũng có một huyệt đạo, bạn có thể thử ấn nhẹ để kích thích huyệt dọc xương đầu ngón trỏ. Sau đó, hãy cảm nhận xem chỗ nào khiến bạn thấy dễ chịu nhất và lặp lại nhiều lần.

 

Trong bài viết này, Hajimarimom đã giới thiệu năm cách đơn giản để giảm đau bụng kinh. Có nhiều cách để giải quyết mà không cần dùng đến thuốc, vì vậy bạn hãy thử áp dụng nhé. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau bụng kinh của bạn vẫn không hề cải thiện được thì có khả năng bạn đang mắc bệnh lý tiềm ẩn, nên sử dụng thuốc chuyên trị hoặc thăm khám bác sĩ.



Xem thêm: 【YOU are the best MOM】phần 31 - Hãy trở thành thầy cô giáo đầu tiên của con!

Previous
Previous

Khuyết tật phát triển ở trẻ em là gì? Cách giải quyết hợp lý

Next
Next

Địa chỉ mua sắm ngày Tết 2022