Nên bắt đầu bấm móng tay cho bé khi nào? Cách thực hiện và những điều mẹ cần lưu ý

Bé sơ sinh có quá trình trao đổi chất rất tốt nên móng tay/chân sẽ phát triển rất nhanh. Vì vậy mẹ cần chăm sóc và cắt gọn gàng cho bé thường xuyên. Nếu để móng dài, bé có thể sẽ vô tình cào vào mặt hoặc mắt của chính mình. Vậy nên, trong bài viết này, Hajimarmom sẽ giải thích những điểm chính khi cắt tỉa móng tay cho bé và thời điểm thích hợp để bắt đầu bấm móng.

Khi nào mẹ nên bắt đầu cắt móng tay cho bé?

Không có quy tắc nhất định về thời gian cắt móng tay cho bé. Khi móng tay dài qua đầu ngón tay tức là móng đang mọc, lúc này mẹ nên cắt bớt phần móng màu trắng đục. Một số bé sẽ có móng tay dài hơn những trẻ khác ngay từ lúc mới sinh vì cơ thể vẫn luôn phát triển khi còn trong bụng mẹ.

Để cắt móng tay cho bé, mẹ hãy dùng kéo cắt móng tay chuyên dụng cho trẻ sơ sinh. Chúng có đầu kéo tròn và thân ngắn để lưỡi dao không thể mở rộng. Nhờ đó, ngay cả khi con di chuyển đột ngột cũng không làm đau bé. Không nên sử dụng đồ bấm móng tay dành cho người lớn vì chúng có lưỡi cắt rộng nên dễ làm ngón tay của bé bị thương.

Tần suất 

Mỗi bé sẽ có tốc độ mọc móng khác nhau, nhưng bạn nên cắt móng tay cho bé mỗi ba đến bốn ngày hoặc một tuần một lần. Nên cắt ngay khi thấy phần móng màu trắng nhô qua đầu ngón tay. Bí quyết để cắt móng tay cho bé là chia ra nhiều lần thay vì cố gắng bấm tất cả các ngón cùng một lúc. Mẹ lưu ý rằng luôn theo dõi tâm trạng và tình trạng của bé, hãy dừng lại nếu bé thấy khó chịu.

Thời gian

Thời điểm tốt nhất để cắt móng tay cho bé là trong giờ ngủ trưa. Lúc này mẹ không cần lo lắng về việc bé cựa quậy, đồng thời ánh sáng trong phòng cũng đủ sáng để bấm móng. Nếu mẹ chưa quen với việc bấm móng cho trẻ, hãy bắt đầu thử làm trong giờ ngủ trưa. Trong thời điểm khác, mẹ có thể nhờ bố làm giúp trong lúc bé đang tập trung bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu bé tỏ vẻ không thích hoặc chống cự, mẹ hãy chỉ làm những gì có thể làm và không nên quá ép bé cắt móng.

Cách cắt móng tay cho bé 

Sau đây là các bước thực hiện: 

1) Đặt bé trên đùi và vòng một tay của mẹ quanh tay em bé

2) Dùng đầu ngón tay mẹ chụm một trong các ngón tay của bé và giữ cố định

3) Giữ chặt kềm bấm móng, cắt hai bên móng trước rồi sau đó mới cắt phần giữa 

Những điểm quan trọng khi cắt móng cho bé

- Để tránh móng quá ngắn hoặc móng phát triển sau này bị quặp, hãy giữ lại khoảng 0.5 đến 1mm phần trắng của móng.

- Không nên cắt móng theo đường thẳng mà nên cắt từng chút một từ hai đầu để dáng đầu móng tròn trịa.

- Thực hiện khi bé đang ngủ hoặc đang bú sữa.

- Đừng ép khi bé thấy khó chịu, bạn có thể tạm ngừng và tiếp tục cắt vào những ngày sau.

- Ngay cả khi bé đang ngủ thì các đầu ngón tay vẫn di chuyển bình thường, vì vậy hãy cẩn thận nếu bạn bấm móng vào lúc này.

Một số lưu ý dành cho trẻ sơ sinh

Điều quan trọng nhất cần nhớ khi cắt móng tay cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là dừng lại khi bé quấy khóc. Sau đó lựa chọn thời gian bấm móng vào lúc trẻ không cựa quậy nhiều. Mẹ có thể sẽ vô tình cắt vào ngón tay nếu bé không ngồi yên trong lúc thực hiện. Vì vậy, ba hoặc mẹ hãy cắt móng cho bé vào những lúc bé đang tập trung vào thứ khác chẳng hạn như khi bú sữa mẹ nhé!

Mặt khác, nhiều người cho rằng móng tay sẽ mềm hơn sau khi tắm nhưng hãy chú ý nếu đối tượng là trẻ sơ sinh. Khác với người lớn, móng tay của em bé vốn đã mềm sẵn, vì vậy có thể bạn sẽ không nhận thấy mình đã cắt quá ngắn. Hãy cẩn thận hơn để không cắt quá sâu nếu bạn thực hiện sau khi cho bé tắm.

Cắt móng tay cho bé một cách vừa phải

Do quá trình trao đổi chất tích cực nên móng tay của bé cần được cắt thường xuyên. Chúng phát triển nhanh hơn và mềm hơn so với người lớn. Hãy ghi nhớ những lưu ý khi cắt móng tay cho bé và tiến hành việc bấm móng một cách an toàn mẹ nhé!


Xem thêm: 【YOU are the best MOM】phần 30 - Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ thất bại

#cắtmóngtaychobé - #chămsóctrẻsơsinh - # #bíkípnuôicon - #chămsóccon - #mẹvàbé - #lầnđầulàmmẹ - #Hajimarimom - #Hajimarimomvietnam

Previous
Previous

Mẹ đã làm gì để ngăn ngừa lão hóa da?

Next
Next

Viết bài cùng Hajimarimom.com Việt Nam - Chủ đề kỳ 6