Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ nhỏ

Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ nhỏ là gì? Làm sao để cải thiện tình trạng này?

Khi được khoảng 3-4 tháng tuổi, trẻ thường từ tình trạng đang ngủ ngon bỗng nhiên không ngủ được, hay quấy khóc về đêm.

Trên thực tế, nhiều trẻ bắt đầu thụt lùi giấc ngủ (hay còn gọi là khủng hoảng giấc ngủ) vào khoảng tháng thứ 3-4 sau khi sinh. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến mẹ về khủng hoảng giấc ngủ của trẻ và những biện pháp khắc phục tình trạng này.

Khủng hoảng giấc ngủ ở trẻ nhỏ

Đây là tình trạng khi trẻ đang ngủ ngon bỗng nhiên thức giấc nhiều lần vào nửa đêm, chợp mắt nhưng khó ngủ. Một số trẻ có thể kết thúc tình trạng này trong một tuần, trong khi những trẻ khác có thể kéo dài trong một tháng. Đó không phải là một điều xấu vì đó là bằng chứng của sự trưởng thành, nhưng chắc hẳn nhiều mẹ cũng sẽ cảm thấy lo lắng khi con không thể ngủ ngon giấc. Thụt lùi giấc ngủ xảy ra trong 2 năm đầu đời, thường xuất hiện ở trẻ 4 tháng, 8 tháng hoặc 1 và 2 tuổi. Tuy nhiên, vì sự phát triển khác nhau ở từng trẻ, tình trạng này không phải tất cả các bé đều sẽ gặp phải.

Khủng hoảng giấc ngủ ở từng độ tuổi:

4 tháng tuổi

Vào khoảng bốn tháng tuổi, khi bé ngày càng lớn lên, năm giác quan của con sẽ trở nên nhạy cảm hơn, và con có thể nghe và nhìn nhiều hơn. Từ đó, chu kỳ giấc ngủ dần được thiết lập. Chu kỳ giấc ngủ của trẻ từ lúc mới sinh đến khoảng 3 tháng được gọi là "ngủ chủ động", và vì trẻ luôn ở trạng thái ngủ không sâu giấc nên nhiều lần tỉnh giấc và ngủ li bì. Khi trẻ được khoảng 4 tháng tuổi, trẻ sẽ có giấc ngủ giống như chu kỳ ngủ của người lớn. Trẻ sẽ có giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, một em bé khoảng 4 tháng tuổi sẽ đi vào giấc ngủ sâu trong vòng 30 phút, nhưng một lúc sau sẽ lại chuyển sang giấc ngủ nhẹ. Nếu môi trường hoặc hoàn cảnh khác với lúc trẻ ngủ, con có thể thức dậy, lo lắng và khóc.

8 tháng tuổi

Khoảng 8 tháng tuổi, tình trạng có thể tái phát. Trẻ sơ sinh lúc này đang tập bò và đứng lên. Lúc này, trẻ tự nhiên sẽ muốn thực hành các kỹ năng mới. Vì vậy con có thể thức dậy vào lúc nửa đêm. Giai đoạn này sẽ kết thúc sau khoảng hai tuần.

1 tuổi

Khi được 12 đến 15 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu gặp khủng hoảng giấc ngủ. Ở giai đoạn này, trẻ thường chuyển từ ngủ trưa hai lần một ngày sang ngủ trưa một lần một ngày. Con có xu hướng thức dậy khoảng hai giờ một lần vào nửa đêm hoặc sáng sớm. Tuy nhiên, nếu mẹ để ý và điều chỉnh thói quen ngủ trưa của trẻ, giai đoạn này sẽ sớm kết thúc.

2 tuổi

Giai đoạn giấc ngủ thụt lùi cuối cùng bắt đầu sớm nhất là ở độ tuổi 1 năm 6 tháng, nhưng có thể bắt đầu khi trẻ 2 tuổi. Tình trạng này diễn ra ở trẻ 18 tháng tuổi cho thấy trẻ đã trở nên độc lập. Trẻ sẽ bắt đầu có mong muốn ngủ trễ khi con có việc thích làm. Những giấc ngủ ngắn vào ban ngày rất quan trọng trong thời gian này, nhưng mẹ cần cho trẻ thích nghi dần để trẻ làm quen với sự thay đổi này. 

Cách cải thiện khủng hoảng giấc ngủ


Giữ cùng một môi trường từ khi ngủ cho đến khi thức dậy

Khi trẻ lớn lên và các giác quan trở nên nhạy cảm hơn, con sẽ dễ dàng nhận thấy một vài thay đổi và trở nên lo lắng. Đầu tiên, hãy cố gắng giữ cùng một môi trường trong suốt quá trình ngủ của bé. Chẳng hạn như, giữ phòng luôn tối hoặc âm thanh ru ngủ suốt cả đêm. 

Tạo thói quen trước khi ngủ

Mẹ không cần dạy con làm bất cứ điều gì đặc biệt. Thói quen ở đây có thể là tắm, hát ru, đọc sách ảnh, …Bằng cách lặp lại một số việc nhất định mỗi ngày thay vì làm điều gì đó đặc biệt, trẻ sẽ nhận ra rằng đã đến giờ bé cần đi ngủ.

Điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm

Nhiệt độ và độ ẩm khi trẻ ngủ cũng rất quan trọng. Theo kinh nghiệm từ nhiều mẹ bỉm sữa, nhiệt độ mà người lớn cảm thấy “chỉ hơi lạnh” là thích hợp với trẻ sơ sinh. Một điều mẹ cần lưu ý là nhiệt độ vừa phải cho người lớn không phải là nhiệt độ tốt cho bé. Ngay cả khi nhiệt độ phòng vừa phải, độ ẩm cao có thể khiến trẻ khó chịu và khó đi vào giấc ngủ. Do đó, bên cạnh nhiệt độ, mẹ cũng cần theo dõi về độ ẩm. 

Khủng hoảng giấc ngủ dường như gây ra nhiều vấn đề lớn cho mẹ và bé, nhưng đây cũng là cơ hội để học hỏi nhiều điều về giấc ngủ của trẻ. Một khi trẻ đã hoàn thành tất cả các giai đoạn của hội chứng ngủ thụt lùi, bé sẽ có thể duy trì một giấc ngủ ngon. Vì vậy hãy trang bị thật nhiều kiến thức để cải thiện tình trạng này mẹ nhé!

Xem thêm: Nỗi sợ khi trở thành mẹ - lời chia sẻ từ mẹ bỉm sữa

Previous
Previous

Mẹ cần lưu ý điều gì khi chọn đồ chơi cho con?

Next
Next

Check-in địa điểm vui chơi mùa giáng sinh 2021